Công ty và quyền riêng tư của nhân viên
(TBKTSG) - Vừa qua, công ty X tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật lao động và ra quyết định khiển trách bằng văn bản đối với bà A. Lý do công ty X đưa ra là bà A đã nhiều lần dùng e-mail cá nhân đặt mua hàng qua mạng, tức là đã làm việc riêng trong giờ làm việc, vi phạm nội quy lao động của công ty X. Tuy vẫn được tiếp tục làm việc tại công ty và được trả đầy đủ lương, phúc lợi như trước đây, nhưng thấy “bẽ mặt” với đồng nghiệp, bà A đã phản ứng lại bằng cách gửi công văn yêu cầu liên đoàn lao động địa phương bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động bị công ty xâm phạm quyền riêng tư mặc dù không có ý kiến phản đối quyết định xử lý kỷ luật lao động của công ty.
Quyền riêng tư là gì?
Trước hết, phải nói rằng pháp luật Việt Nam hiện chưa có luật riêng quy định về việc bảo vệ quyền riêng tư mặc dù đã từng được kiến nghị đưa vào chương trình soạn thảo luật của Quốc hội. Thuật ngữ “quyền riêng tư” cũng chưa được định nghĩa về mặt pháp lý một cách trọn vẹn trong các văn bản pháp luật hiện hành mà rải rác đâu đó một vài quy định cắt lát của “quyền riêng tư”. Chẳng hạn điều 21 trong Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình hay mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. Điều 38 trong Bộ luật Dân sự 2005 thì quy định quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ hoặc thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Trong trường hợp kể trên, bà A cho rằng công ty X xâm phạm quyền riêng tư của người lao động và mặc dù không có định nghĩa pháp lý nào về quyền riêng tư, về hành vi xâm phạm quyền riêng tư, thì với việc đọc thư điện tử của người khác mà chưa được sự đồng ý của người đó như công ty X đang làm, nhìn ở góc độ hẹp, đó có thể xem như là sự xâm phạm bí mật thư tín. Nhưng nếu không được phép làm như vậy, thử hỏi người sử dụng lao động làm cách nào để quản lý tốt nhân viên, biết được họ đang làm việc công hay tư trong thời gian ở văn phòng?
Có xâm phạm quyền riêng tư của nhân viên?
Nếu chỉ xét riêng tình tiết công ty X đọc e-mail cá nhân của bà A mà chưa được sự cho phép của bà A thì rõ là đã có việc xâm phạm thư tín người khác, nhưng nhìn tổng thể sự việc và soi chiếu từ góc độ tài sản, quyền của chủ sở hữu tài sản theo Bộ luật Dân sự và quyền quản lý doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp thì công ty X lại có quyền kiểm tra, giám sát việc nhân viên sử dụng tài sản của công ty để đảm bảo họ sử dụng tài sản đúng mục đích và tối đa hóa giá trị sử dụng tài sản. Sẽ có tranh cãi như: bà A không sử dụng e-mail của công ty mà là e-mail cá nhân, nhưng để thao tác trên e-mail cá nhân, bà A phải dùng máy tính của công ty, hoặc bà A dùng máy tính của mình nhưng bằng đường truyền Internet của công ty để giải quyết việc riêng trong giờ làm việc...
Kể cả trong trường hợp bà A đem máy tính của công ty X về nhà sử dụng sau giờ làm việc cho các mục đích cá nhân nhưng bằng đường truyền Internet của gia đình thì vẫn có thể được xem là đang sử dụng tài sản của công ty không đúng mục đích. Nguyên tắc cơ bản trong mối quan hệ giữa chủ sở hữu tài sản và người lao động được giao hay được ủy quyền quản lý, sử dụng tài sản là người đó phải có nghĩa vụ phải giữ gìn, bảo quản và sử dụng tài sản được giao đúng mục đích. Một người đương nhiên có quyền riêng tư và bản thân thông tin của người đó là riêng tư, là mật, nhưng nếu người đó để mở thông tin trên các thiết bị của người khác trong khi vẫn nhận thức được rằng chủ sở hữu tài sản có thể đọc được các thông tin riêng tư đó khi kiểm tra tài sản thì tức là người đó đã chủ động làm giảm đi đáng kể tính chất riêng tư của thông tin cá nhân. Nói cách khác, người đó đã ngụ ý rằng quyền riêng tư của họ không còn cần thiết được bảo vệ nữa.
Nhiều doanh nghiệp quy định cụ thể trong nội quy lao động là nhân viên sử dụng tài sản doanh nghiệp vào mục đích cá nhân (dù trong hay ngoài giờ làm việc) sẽ bị xử lý kỷ luật lao động theo một hình thức nhất định. Khi đó, chỉ cần người sử dụng lao động chứng minh được người lao động vi phạm nội quy là đã có lý do để xử lý kỷ luật lao động.
Giám sát nhân viên trong thời đại công nghệ thông tin
Nói chung, quyền riêng tư của con người được thừa nhận ở hầu hết các quốc gia nhưng người ta cũng đồng thời nhận ra rằng trong thời đại công nghệ thông tin thay đổi đến chóng mặt như hiện nay thì quyền riêng tư của con người khó mà được bảo vệ tuyệt đối.
Bằng các phần mềm quản lý được cài đặt trong máy tính hoặc truy cập hệ thống máy chủ..., Các ông chủ có thể biết được thời gian nhân viên làm việc thực sự trên máy tính trong ngày và cụ thể đã làm công việc gì mà không cần trực tiếp thao tác trên máy tính của người đó.
Mặc dù việc “lập hàng rào” bảo vệ tài sản và áp dụng công nghệ thông tin để giám sát nhân viên là điều các doanh nghiệp có thể thực hiện dễ dàng, nhưng thực tế nhiều công ty vẫn giao tài sản máy tính cho nhân viên sử dụng mà không có sự giới hạn về phạm vi sử dụng. Trong trường hợp này, ngoài việc tin vào tính tự giác, ý thức của nhân viên, công ty còn muốn tạo một môi trường làm việc thoải mái, thân thiện, không quản lý bằng cách theo dõi, giám sát hà khắc. Các doanh nghiệp vẫn thường cho một “khoảng thời gian mềm” để nhân viên kiểm tra, trả lời e-mail cá nhân hay giải quyết việc riêng có sử dụng thiết bị công nghệ thông tin của doanh nghiệp.
Trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, quyền riêng tư của người lao động nên giới hạn ở một chừng mực nhất định. Nhưng giới hạn đó ở đâu? Thật sự là không có văn bản pháp luật nào chỉ ra được giới hạn của sự riêng tư dành cho người lao động mà người lao động không thể chạm tới. Giới hạn đó chỉ có thể được dựng lên bằng ý thức, sự tự giác của mỗi cá nhân để ngăn cản bản thân có những hành vi gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Trong môi trường pháp lý chưa rõ ràng về vấn đề quyền riêng tư, doanh nghiệp nên có một số hành động trong chừng mực pháp luật cho phép với mục tiêu phòng ngừa là chính để tự bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Doanh nghiệp có thể lắp đặt các thiết bị theo dõi trong phòng làm việc và cho nhân viên biết họ đang được giám sát, điều này có thể khiến nhân viên thận trọng và hạn chế làm việc riêng. Doanh nghiệp có thể thông báo cho nhân viên biết hệ thống máy chủ đã lưu trữ thông tin từ máy tính cá nhân, thông qua đó người quản lý có thể kiểm tra để xác định năng suất làm việc, thời gian, năng lực và thái độ làm việc thực tế của mỗi người. Đồng thời, trong nội quy lao động của công ty phải có những quy định cụ thể về xử lý kỷ luật lao động đối với những hành vi không đúng mực trong việc quản lý, sử dụng, bảo quản tài sản doanh nghiệp trong quá trình làm việc. Doanh nghiệp cũng cần tổ chức thường xuyên các buổi huấn luyện nội bộ về việc sử dụng thời giờ làm việc hiệu quả.
Tất nhiên, việc áp dụng các cách thức quản lý như gợi ý ở trên cũng cần phải được chọn lọc và cân nhắc đến môi trường làm việc, đối tượng áp dụng để việc quản lý phát huy hiệu quả mà không làm “tổn thương” đến người lao động.
(*) Công ty Luật TNHH Phước và Các Cộng sự
Microsoft cắt giảm thêm 2.100 việc làm 2014
Quá trình mua lại Nokia được cho là nguyên nhân cắt giảm nhân sự.
NDĐT - Microsoft xác nhận cắt giảm thêm 2.100 việc làm trong kế hoạch cắt giảm 18.000 việc làm của hãng phần mềm khổng lồ này, tương đương 14% nhân sự.
Hãng phần mềm khổng lồ này cho biết sẽ giảm 747 việc làm ở Seattle, nơi đặt trụ sở chính của hãng này, và phần còn lại sẽ cắt giảm ở các khu vực khác.
Hiện Microsoft đã cắt giảm 13.000 việc làm, chủ yếu liên quan đến bộ phận điện thoại thông minh mua lại từ Nokia.
Trong tháng Bảy, Tổng giám đốc điều hành Satya Nadella đưa ra kế hoạch tổng quát chuyển đổi hãng phần mềm này từ bán phần mềm sang kinh doanh dịch vụ trực tuyến, ứng dụng và thiết bị.
Hiện nay, Microsoft có khoảng 127.000 nhân viên và sẽ tiết kiệm được mỗi năm từ 1,1 tỷ USD đến 1,6 tỷ USD do việc cắt giảm nhân sự mang lại.
Microsoft cũng cho biết việc cắt giảm nhân sự sẽ trải rộng giữa nhiều bộ phận kinh doanh khác nhau và ở nhiều nước khác nhau.
Trong thư điện tử gửi cho nhân viên của mình, ông Nadella, CEO của Microsoft cho biết việc cắt giảm này là rất khó khăn nhưng cần thiết và là một phần của kế hoạch để hãng này chuyển sang một hướng đi mới trong lĩnh vực công nghệ; bước đầu tiên để xây dựng một tổ chức tốt hơn là sắp xếp lại nhân sự.
Microsoft cũng đã hoàn thành việc mua lại bộ phận sản xuất điện thoại của Nokia trong tháng Tư năm nay và đang trong quá trình xây dựng vị thế tốt hơn cho sản phẩm của hãng trong lĩnh vực thiết bị di động. Quá trình mua lại Nokia tiêu tốn của hãng này khoảng 7,5 tỷ USD.
Hải Ly
(Theo BBC)